Hà Nội đang nóng lên từng ngày với cuộc cạnh tranh trong ngành cửa hàng tiện lợi khi 7-Eleven và GS25 chính thức chiếm lĩnh mặt bằng Hà Nội với loạt cửa hàng mới khai trương. Thị trường bán lẻ thủ đô vốn đã sôi động, nay lại càng thêm chật chội khi hai “ông lớn” cùng nhắm đến phân khúc 24/7 đầy tiềm năng.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu 7-Eleven Hà Nội có thể tạo nên cú hích đủ mạnh để lật ngược thế trận? Hay GS25 Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ cao, củng cố vị thế của kẻ dẫn đầu? Dù kết quả ra sao, cuộc so găng giữa hai thương hiệu toàn cầu chắc chắn sẽ định hình lại bản đồ tiện lợi tại Hà Nội trong thời gian tới.
1. Mô hình kinh doanh GS25 và 7- Eleven là gì?
Sau một thời gian khuấy đảo thị trường TP. HCM, giờ đây cả 7-Eleven và GS25 đều chính thức “Bắc tiến” – đặt chân vào Hà Nội, nơi được xem là “mảnh đất vàng” của ngành bán lẻ hiện đại. Việc hai ông lớn cửa hàng tiện lợi cùng lúc mở rộng ra thủ đô không chỉ đơn thuần là một bước đi chiến lược, mà còn mở màn cho một cuộc cạnh tranh sôi động giữa hai phong cách, hai mô hình vận hành và hai cách chinh phục trái tim người tiêu dùng.
7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu thế giới, có xuất xứ từ Mỹ và hiện diện tại hơn 20 quốc gia, trong đó nổi bật nhất là Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Với mô hình hoạt động 24/7, 7-Eleven nổi tiếng nhờ sự tiện lợi, sản phẩm đa dạng từ thức ăn nhanh, nước uống, đồ dùng cá nhân đến các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, nạp thẻ điện thoại, giao dịch tài chính. Ở Việt Nam, 7-Eleven chính thức gia nhập từ năm 2017, bước đầu tập trung phát triển tại TP. HCM.
GS25 là chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc, trực thuộc tập đoàn GS Retail. Không chỉ nổi bật với phong cách Hàn Quốc trẻ trung, GS25 còn ghi điểm nhờ các sản phẩm “hot trend” như gà rán, kimbap, mì ly, cùng các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, nhận hàng,… GS25 vào Việt Nam từ năm 2018 và nhanh chóng mở rộng hệ thống tại TP. HCM với mô hình nhượng quyền linh hoạt.

Cả hai thương hiệu đều áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền, hoạt động liên tục 24/7, phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng hiện đại: Từ ăn uống nhanh, mua sắm tiện ích, đến các dịch vụ tài chính cơ bản. Không chỉ đơn thuần là “cửa hàng tạp hóa hiện đại”, GS25 và 7-Eleven còn đang tái định nghĩa trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng trẻ: nhanh, tiện, sạch, hiện đại và… có chỗ để sống ảo.
2. Cuộc chiến thương hiệu nhượng quyền 7-Eleven và GS25
Sau nhiều năm phát triển mạnh ở TP. HCM, cả 7-Eleven và GS25 đều đồng loạt “Bắc tiến”, biến Hà Nội trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến giành thị phần bán lẻ tiện lợi. Dù cùng chọn thời điểm ra mắt gần nhau nhưng mỗi thương hiệu lại có chiến lược riêng để chiếm lấy lòng tin người tiêu dùng thủ đô.
2.1. 7-Eleven mở rộng ra Hà Nội: Động thái Bắc tiến
Vào ngày 06/06/2025, 7-Eleven chính thức có mặt tại Hà Nội đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình mở rộng thị phần ở miền Bắc. Sau nhiều năm “đóng đô” ở TP. HCM với hệ thống 124 cửa hàng, đây là lần đầu tiên thương hiệu này bước ra thị trường miền Bắc – nơi lâu nay vẫn được xem là “sân nhà” của Circle K trong phân khúc cửa hàng tiện lợi 24/7.
Là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất toàn cầu, 7-Eleven được thành lập từ năm 1927 tại Mỹ và hiện đã có mặt tại 19 quốc gia với mạng lưới hơn 62.000 cửa hàng. Điểm nổi bật của thương hiệu này chính là mô hình hoạt động 24/7 hiện đại, cung cấp đầy đủ các sản phẩm thiết yếu từ thực phẩm, nước uống đến các vật dụng hàng ngày. Tất cả gói gọn trong một không gian tiện lợi, nhanh chóng và chuẩn quốc tế.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2017, 7-Eleven lựa chọn chiến lược phát triển sâu tại TP. HCM trước khi tiến ra thủ đô. Theo dữ liệu từ Vietdata, giai đoạn hậu Covid-19 chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu này: doanh thu lần lượt tăng 17,7% (2021), 26% (2022) và 37,4% (2023), đạt xấp xỉ 850 tỷ đồng trong năm 2023. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lỗ lũy kế lớn do chi phí đầu tư, mở rộng và vận hành cao – điều không quá bất ngờ với một thương hiệu đang trong giai đoạn chinh phục thị trường mới.

2.2. GS25 gia nhập thị trường Hà Nội: Gia tăng sức ép cạnh tranh
Không chỉ riêng 7-Eleven, GS25 đã chính thức mở rộng ra thị trường miền Bắc Việt Nam với việc khai trương 6 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 14/3/2025. Các cửa hàng này được đặt tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Cầu Giấy nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm và ăn uống của người dân địa phương cũng như khách du lịch tạo nên một làn sóng trên mạng xã hội
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2018, muộn hơn nhiều đối thủ khác nhưng GS25 lại chọn cho mình hướng đi quyết liệt: Tăng tốc mở rộng hệ thống. Chỉ sau vài năm, thương hiệu này đã cán mốc 209 cửa hàng, vươn lên vị trí top 2 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất cả nước. GS25 được vận hành bởi liên doanh giữa GS Retail (Hàn Quốc) và Sơn Kim Retail (Việt Nam) – mô hình kết hợp giữa vốn ngoại, am hiểu thị trường nội địa và chiến lược kinh doanh nhượng quyền linh hoạt.
Điểm nhấn của GS25 nằm ở sự hòa quyện giữa mô hình tiện lợi truyền thống và “cá tính Hàn” trong sản phẩm: Từ gà rán, Tokbokki, Mì cay cho đến những món ăn nhanh đậm chất K-Pop fan yêu thích. Ngoài ra, dịch vụ thanh toán, giao nhận, ăn uống tại chỗ… cũng được đầu tư kỹ lưỡng nhằm tạo trải nghiệm tiện nghi, trẻ trung, khác biệt.
Theo dữ liệu từ Vietdata, GS25 có tốc độ tăng trưởng ấn tượng: năm 2023 đạt hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với năm 2022. Dù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế do chi phí mở rộng nhưng mức lỗ đang được thu hẹp dần, phản ánh quá trình vận hành ngày càng hiệu quả. GS25 cũng thể hiện tham vọng dài hạn với mục tiêu đạt 700 cửa hàng vào năm 2027, sẵn sàng “đốt vốn” trong ngắn hạn để đổi lấy thị phần bền vững.
Việc GS25 mở rộng ra Hà Nội không chỉ tạo thêm lựa chọn cho người tiêu dùng thủ đô mà còn thổi làn gió mới vào thị trường tiện lợi 24/7 vốn bị Circle K thống lĩnh suốt nhiều năm. Với tốc độ phát triển nhanh, sản phẩm đậm chất Hàn và định hướng trải nghiệm khách hàng rõ nét, GS25 được dự đoán sẽ là đối thủ cạnh tranh nặng ký trong cuộc chơi bán lẻ sắp tới tại miền Bắc.

3. Điều kiện kinh doanh nhượng quyền 7-Eleven và GS25
Việc gia nhập “cuộc chơi” cùng mô hình nhượng quyền 7-Eleven hay GS25 không chỉ là cơ hội kinh doanh hấp dẫn mà còn là một cam kết lâu dài về chất lượng, tiêu chuẩn và vận hành thương hiệu. Dù mỗi chuỗi có một chiến lược riêng nhưng để trở thành đối tác nhượng quyền, bạn sẽ cần đáp ứng một số tiêu chí cơ bản sau:
- Nguồn lực tài chính ổn định: Tổng mức đầu tư ban đầu cho một cửa hàng nhượng quyền thường từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Khoản đầu tư này bao gồm chi phí mặt bằng, thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn, trang thiết bị, hàng hóa ban đầu, hệ thống quản lý, đào tạo nhân sự và vận hành.
- Yếu tố kinh nghiệm (không bắt buộc nhưng rất nên có): Cả GS25 lẫn 7-Eleven đều ưu tiên nhà đầu tư có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ hoặc quản lý vận hành. Tuy nhiên, nếu bạn chưa có kinh nghiệm, vẫn có thể yên tâm vì sẽ được đội ngũ của thương hiệu đào tạo bài bản từ kỹ năng vận hành, chăm sóc khách hàng đến quản lý hàng hóa.
- Địa điểm kinh doanh “đẹp” là lợi thế then chốt: Một cửa hàng tiện lợi chỉ phát huy hiệu quả khi nằm ở vị trí thuận lợi: Mặt tiền, khu dân cư đông đúc, gần trường học, chung cư, văn phòng hoặc bệnh viện. Mặt bằng không chỉ phải đạt tiêu chuẩn về diện tích, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý như an toàn thực phẩm, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy và môi trường.
- Tuân thủ và đồng hành phát triển thương hiệu: Nhượng quyền với 7-Eleven hay GS25 không phải là “mua đứt bán đoạn”. Bạn cần cam kết tuân thủ mọi quy trình vận hành, quy chuẩn dịch vụ và chất lượng sản phẩm theo hệ thống. Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu thống nhất, không tùy tiện điều chỉnh mô hình hay thay đổi chất lượng là yếu tố bắt buộc để giữ gìn uy tín và sự đồng nhất toàn hệ thống.
- Có thể điều chỉnh tùy theo địa phương và đối tác: Tùy vào khu vực, mô hình kinh doanh hoặc năng lực nhà đầu tư, thương hiệu có thể linh hoạt về yêu cầu hoặc hỗ trợ thêm: Ví dụ như ưu đãi thiết kế, hỗ trợ truyền thông, hoặc huấn luyện tăng cường trong giai đoạn đầu khai trương.

4. Kết luận
Sự xuất hiện đồng loạt của GS25 và 7-Eleven tại Hà Nội không đơn thuần là cuộc đổ bộ thương hiệu mà là tín hiệu rõ ràng cho một “cuộc chiến giành nhượng quyền” đang bước vào hồi gay gắt. Nếu GS25 ghi điểm nhờ sản phẩm mang đậm phong cách Hàn, dịch vụ linh hoạt và chiến lược phủ sóng nhanh thì 7-Eleven lại mang đến dấu ấn toàn cầu với kinh nghiệm vận hành chuyên nghiệp và hệ thống quản trị tối ưu.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Đừng quên truy cập COOLERCITY.VN để khám phá thêm những thông tin mới nhất về thị trường F&B và xu hướng nhượng quyền thương hiệu ngành đồ uống.