CÁCH NẤU TRÂN CHÂU KHÔNG DÍNH – KHÔNG NÁT – THÀNH CÔNG NGAY LẦN ĐẦU

Trân châu là thành phần không thể thiếu giúp ly trà sữa thêm phần hấp dẫn và ngon miệng. Tuy nhiên, nếu nấu không đúng cách, trân châu rất dễ bị dính chùm, bể nát hoặc quá mềm. Bài viết này sẽ mách bạn cách nấu trân châu không dính ngay tại nhà, đơn giản mà hiệu quả giúp hạt trân châu dẻo mềm, tách rời và ngon chuẩn như ngoài tiệm.

1. Trân châu làm từ bột gì?

Trân châu là loại topping “quốc dân” không thể thiếu trong ly trà sữa. Thành phần làm nên hạt trân châu chủ yếu gồm bột năng (bột sắn) giúp tạo độ dai đặc trưng, cùng với bột cacao hoặc caramel nếu muốn tạo màu đen bóng bắt mắt. Ngoài ra còn có nước và một vài nguyên liệu khác tùy công thức.

Dù trân châu có thể tự làm tại nhà với công thức đơn giản nhưng với những ai kinh doanh quán trà sữa, việc tự nặn từng viên sẽ tốn rất nhiều thời gian và khó đảm bảo đồng đều về chất lượng. Chính vì vậy, trân châu đóng gói sẵn luôn là lựa chọn tối ưu hơn: dễ bảo quản, tiện lợi và cho ra thành phẩm ổn định theo từng mẻ nấu.

Cách nấu trân châu không dính
Trân châu là loại topping “quốc dân” không thể thiếu trong ly trà sữa

>> Xem thêm: Tầm quan trọng của kiến thức nguyên liệu pha chế và dinh dưỡng trong đồ uống

2. Cách nấu trân châu không dính đơn giản tại nhà?

Trân châu nếu nấu xong bị dính chùm, bể nát hay quá nhũn sẽ làm mất đi độ ngon vốn có của ly trà sữa. Đừng lo! Cooler City sẽ mách bạn cách nấu trân châu không dính đơn giản tại nhà mà ai cũng có thể làm được.

* Nguyên liệu nấu trân châu:

– Trân châu đóng gói: 1kg

– Nước lọc: 4 – 5 lít

– Đường hoặc sốt đường đen: 250g hoặc 250ml – 300ml

* Cách nấu trân châu không dính:

Bước 1: Sơ chế trân châu trước khi nấu

Trước tiên, bạn đổ trân châu ra rây và nhẹ nhàng sàng lọc để loại bỏ những hạt vỡ, vụn hoặc lẫn tạp chất. Việc này giúp đảm bảo mẻ trân châu sau khi nấu sẽ đều đặn, đẹp mắt và đạt chất lượng cao nhất.

Bước 2: Luộc trân châu đúng cách

– Đun sôi khoảng 4 – 5 lít nước cho mỗi 1kg trân châu (nước nhiều sẽ giúp hạt trân châu nở đều, không dính).

– Khi nước sôi già, từ từ thả trân châu vào và dùng đũa khuấy nhẹ tay để tránh hạt dính vào nhau hoặc cháy dưới đáy nồi.

– Khi thấy trân châu nổi lên, hạ lửa nhỏ để nước sôi nhẹ (tránh sôi cuồn cuộn làm hạt dễ vỡ). Tiếp tục nấu trong khoảng 30 phút. Trong quá trình này, cứ mỗi 2 – 3 phút nên khuấy nhẹ một lần để hạt chín đều, không cháy sát đáy.

Bước 3: Ủ trân châu để giữ độ dai

Sau khi luộc xong, tắt bếp và đậy kín nắp nồi để trân châu ủ trong khoảng 30 – 60 phút. Giai đoạn này cực kỳ quan trọng vì giúp hạt trân châu đạt được độ mềm dẻo, dai ngon đúng chuẩn.

Bước 4: Xả sạch trân châu sau khi ủ với nước lạnh

Vớt trân châu ra rổ, ngâm với nước lạnh và dùng tay đảo nhẹ để rửa sạch lớp nhớt bên ngoài. Đây là một trong những cách nấu trân châu không dính đơn giản nhưng hiệu quả giúp hạt không bị chua nếu để lâu.

Bước 5: Ngâm trân châu với đường đen để tăng hương vị

– Cho trân châu vào tô lớn rồi trộn đều với khoảng 250g đường đen Hàn Quốc hoặc 250 – 300ml sốt đường đen. Đảo nhẹ tay để các hạt thấm đều, vừa giúp giữ độ ngọt, vừa giúp trân châu có độ bóng đẹp.

– Sau khi trộn trân châu với đường đen nên để ngâm khoảng 15 phút trước khi sử dụng để hạt ngấm vị và bóng đẹp. Đây là bước quan trọng trong cách nấu trân châu không dính giúp hạt không vón cục và giữ được độ ngon. 

–  Nên bảo quản trân châu ở nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng 8 tiếng để giữ được độ mềm dẻo tự nhiên. Tránh cho vào tủ lạnh vì trân châu sẽ bị cứng, mất ngon.

Cách nấu trân châu không dính
Ngâm trân châu vừa luộc xong vào nước lạnh là một trong những cách nấu trân châu không dính hiệu quả

3. Mẹo nhỏ nấu trân châu không bị dính cục, đẹp mắt và ngon miệng

Để trân châu sau khi nấu đạt độ dai mềm lý tưởng, bạn chỉ cần áp dụng một vài mẹo đơn giản. Đây cũng là cách nấu trân châu không dính mà nhiều quán trà sữa chuyên nghiệp tin dùng để giữ chất lượng hạt luôn ổn định và đẹp mắt:

  • Luôn dùng đủ nước khi luộc: Một mẹo nấu trân châu không bị dính cục là đảm bảo tỷ lệ nước và trân châu khoảng 5:1. Nước nhiều giúp hạt trân châu có đủ không gian để nở đều, không dính vào nhau. Nếu dùng quá ít nước, trân châu dễ bị cháy đáy, chín không đều và vón lại thành từng cục.
  • Trong suốt quá trình nấu, hãy khuấy đều tay nhưng thật nhẹ nhàng. Đây là một trong những cách nấu trân châu không dính đáy nồi đồng thời giúp hạt trân châu chín đều từ ngoài vào trong, giữ được độ dẻo mềm đúng chuẩn.
  • Đừng luộc quá lâu: Thời gian nấu lý tưởng là khoảng 30 phút tính từ lúc nước sôi trở lại sau khi cho trân châu vào. Nếu nấu quá lâu, trân châu sẽ bị nhũn, mất độ giòn dai. Sau khi tắt bếp, tiếp tục ủ trân châu trong 30 – 60 phút tùy theo kích thước hạt để đạt độ mềm chuẩn.
  • Xả nước lạnh ngay sau khi ủ: Sau khi ủ xong, bạn nên vớt trân châu ra rổ và xả ngay dưới vòi nước lạnh đồng thời dùng tay đảo nhẹ để loại bỏ lớp nhớt trên bề mặt. Đây là một bước quan trọng trong cách nấu trân châu không dính, không nát.
  • Ngâm trân châu với đường đen hoặc sốt: Sau khi xả sạch, trộn trân châu với đường đen hoặc sốt đường đen để tạo vị ngọt đậm đà. Đồng thời, lớp syrup này cũng giúp giữ trân châu không bị khô hay cứng khi để ở nhiệt độ phòng.
Cách nấu trân châu không dính
Cách nấu trân châu không dính đáy nồi là khuấy nhẹ và đều tay trong suốt quá trình luộc

>> Xem thêm: Hướng dẫn chọn nguyên liệu trà sữa cho người mới kinh doanh

4. Cách bảo quản trân châu?

Tùy loại trân châu mà thời gian sử dụng sau khi nấu sẽ khác nhau. Trân châu thông thường ngon nhất trong vòng 6 tiếng nếu để ở nhiệt độ phòng. Trân châu đường đen có thể giữ được từ 8 đến 20 tiếng, tùy vào công thức nấu và loại siro đường đen sử dụng.

Tuy nhiên, trong những thời điểm cần tiết kiệm nguyên liệu – đặc biệt là khi vắng khách, bạn hoàn toàn có thể kéo dài thời gian bảo quản trân châu lên đến 48 tiếng (thậm chí hơn), nếu áp dụng đúng cách sau đây:

  • Đối với bảo quản ngăn mát tủ lạnh (dưới 24 tiếng): Sau khi nấu, bạn nên cho trân châu vào hộp kín hoặc túi zip, bọc kín hoàn toàn để tránh bị khô. Khi cần sử dụng, chỉ cần hâm nóng lại bằng lò vi sóng trong khoảng 30 giây đến 1 phút. Tuy nhiên, cần lưu ý bổ sung thêm một ít siro đường đen trong lúc quay nóng vì trong quá trình bảo quản lạnh, trân châu dễ bị hút mất độ ẩm và vị ngọt khiến thành phẩm bị khô và kém ngon.
  • Đối với bảo quản ngăn đá tủ lạnh (trên 24 tiếng): Bạn nên dàn đều trân châu, tránh để chúng vón cục rồi đóng gói kín và cho vào ngăn đông. Khi cần dùng, chỉ việc lấy ra và làm nóng lại bằng lò vi sóng hoặc chưng cách thủy cho đến khi hạt mềm dẻo trở lại. Với phương pháp cấp đông này, bạn không cần thêm siro đường đen vì quá trình đông lạnh không làm mất đi độ ngọt cũng như kết cấu dẻo dai của trân châu.

5. Kết Luận

Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết và mẹo nhỏ ở trên, bạn đã nắm chắc cách nấu trân châu không dính, không nát,  vừa ngon, vừa tiết kiệm. Dù là để pha trà sữa tại nhà hay phục vụ khách hàng trong quán, một mẻ trân châu dẻo mềm chuẩn chỉnh sẽ giúp ly đồ uống trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Theo dõi Cooler City để bỏ túi thêm nhiều bí kíp kinh doanh, công thức pha chế hay ho và cập nhật xu hướng đồ uống mới nhất mỗi ngày nhé.